Những lưu ý cần biết về nước uống để khỏe đẹp mỗi ngày
Vai trò của nước đối với cơ thể con người
Nước chiếm khoảng 60-70% trọng lượng cơ thể, 65-75% trọng lượng cơ, 50% trọng lượng mỡ, 50% trọng lượng xương. Trong cơ thể người, nước tồn tại ở hai dạng: nước trong tế bào và nước ngoài tế bào. Nước ngoài tế bào có trong huyết tương máu, dịch limpho, nước bọt… Các dấu hiệu bệnh lý bắt đầu xuất hiện khi bị mất nước từ 10% trọng lượng cơ thể và sẽ nguy hiểm tính mạng khi mất đến 18%.
Nước còn là dung môi của hầu hết các trao đổi chất. Nước tham gia vào nhiều phản ứng hóa học quan trọng, đặc biệt là phản ứng thủy phân, trong quá trình thoái hóa của protid, lipid, glucid. Ngoài ra, nước còn là dung môi giúp hòa tan các chất dinh dưỡng của tế bào như: ô xy, glucoza, axít amin, những thành phần quan trọng để duy trì sự sống.
Trong quá trình sinh tồn, hằng ngày con người phải nạp các chất dinh dưỡng vào cơ thể. Song song với quá trình đó, cơ thể cũng liên tục tạo ra các sản phẩm phân hủy. Những sản phẩm này hầu hết là chất thải, không cần thiết cho cơ thể. Chúng sẽ theo hệ bài tiết ra ngoài. Và để các chất thải được bài tiết ra khỏi cơ thể, con người cần nước làm dung môi để hòa tan chúng.
Không chỉ vậy, nước còn là yếu tố không thể thiếu giúp con người điều hòa thân nhiệt. Khi cơ thể thiếu nước, hệ thống điều hòa thân nhiệt sẽ bị rối loạn, não bộ sẽ truyền thông tin đến các bộ phận cơ thể để làm giảm nhiệt độ. Quá trình này sẽ gây nên sự rối loạn các chức năng như mất cân bằng chất điện giải; huyết áp, nhịp tim thay đổi… ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng con người.
Uống nước đúng cách để phòng tránh bệnh tật
Với những vai trò quan trọng trên, để duy trì sự sống của cơ thể và đảm bảo sức khỏe, con người cần phải bổ sung nước mỗi ngày. Theo Viện Nghiên cứu Y khoa Mayo Clinic (Hoa Kỳ), uống nước cũng phải biết cách uống hợp lý, nếu uống không đúng cách sẽ có thể gây hại cho sức khỏe.
Uống nước bao nhiêu là đủ: Cơ thể con người luôn luôn có sự cân bằng động (homeostasis) giữa lượng nước mất đi qua nước tiểu, phân, nước bọt, mồ hôi, thở, và lượng nước bù đắp lại qua thức ăn, nước uống và chuyển hóa thức ăn tạo ra. Hằng ngày, lượng nước luân chuyển, mất đi (thải ra) và thu nhận (uống vào) trung bình là 2,5 lít. Mất sự cân bằng động này con người sẽ lâm bệnh.
Nhưng nếu uống quá nhiều nước, cơ thể bạn có nguy cơ bị ngộ độc. Cơ thể thừa nước sẽ pha loãng các chất điện giải trong máu, dẫn tới hạ natri, khiến thận làm việc quá tải. Bên cạnh đó việc dư thừa nước có thể gây phù hoặc sưng não, nhất là chức năng hô hấp và kiểm soát cơ bắp.
Nên uống loại nước nào: Chất lượng nước là chất lượng cuộc sống. Khi bạn uống nước bị ô nhiễm cơ thể của bạn sẽ phải làm việc cật lực hơn để bài tiết các chất rắn không mong muốn. Thận của bạn sẽ phải làm việc cật lực hơn để lọc các chất độc hại dư thừa. Ruột của bạn sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí là ung thư khi các chất độc hại trong nước bạn uống sẽ lắng cặn tại đây.