Tác dụng tốt cho sức khỏe từ quả nho, nước ép nho và rượu nho
1. Nguồn gốc, thành phần và các loại nho
Nguồn gốc và đặc điểm của quả nho
Nho là loại quả mọng lấy từ cây nho, một loại cây thân leo thuộc chi Nho (Vitis). Quả nho kết thành chùm từ 6 đến 300 quả và có nhiều màu như đen, lam, vàng, lục, đỏ tía, trắng.
Bạn đầu nho là loại quả dại, sau đó người ta bắt đầu trồng và thuần hóa nho bắt đầu từ 6.000 – 8.000 năm trước ở Cận Đông. Bằng chứng cho việc trồng nho cổ xưa nhất cách nay 8.000 năm trước ở Gruzia, sau đó lan sang các khu vực khác ở châu Âu, Bắc Phi và cuối cùng ở Bắc Mỹ.
Thành phần dinh dưỡng
Vỏ quả nho có các hợp chất tanin và dầu.
Phần thịt quả nho chứa 75 – 85% nước, 18 – 33% đường glucose và fructose và nhiều chất cần thiết cho con người như: phlobaphene, acid galic, acid silicic, acid phosphoric, acid chanh, acid oxalic, acid folic, kali, magiê, canxi, mangan, coban, sắt và các vitamin B1, B2, B6, B12, A, C, P, K và PP cùng các enzyme.
Hạt nho chứa hợp chất tanin, phlobaphene, leucithin, vani và dầu béo.
Một số giống nho trên thịt trường
Vitis vinifera: Phần lớn nho thu hoạch trên thế giới là từ giống nho này, được sử dụng làm rượu vang châu Âu bản địa của vùng Địa Trung Hải và Trung Á.
Vitis labrusca: Là loài nho làm rượu châu Mỹ, bản địa của miền Đông Hoa Kỳ và Canada.
Vitis riparia: Đây là loài nho hoang, đôi khi dùng làm mứt và rượu vang, là loài bản địa của đông Hoa Kỳ và bắc Quebec.
Vitis rotundifolia: Thường được dùng làm mứt và rượu, là loài bản địa của đông nam Hoa Kỳ từ Delaware đến vịnh Mexico.
Vitis amurensis: loài nho quan trọng của châu Á.
2. Những công dụng tuyệt vời của nho đối với sức khỏe
Trong quả nho có các hợp chất chống oxi hóa, khoáng chất, vitamin,… nên nho được coi là loại trái cây có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe con người.
Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh ung thư
Trong quả nho chứa các hợp chất chống oxi hóa mạnh là polyphenol có khả năng ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư bao gồm hực quản, phổi, miệng, hầu họng, tuyến tụy, tuyến tiền liệt và đại tràng.
Tốt cho tim mạch
Nho chứa chất chống oxy hóa (các flavonoid) đặc biệt là resveratrol được tập trung ở vỏ, hạt, và thân cây nho giúp ngăn ngừa tổn thương nội mạc mạch máu, làm giảm cholesterol “xấu” (LDL-cho), ngăn ngừa hình thành cục máu đông và chống viêm hiệu quả.
Hàm lượng Kali cao trong nho giúp lưu thông khí huyết, giảm nguy cơ đột quỵ, bảo vệ và giúp cơ thể chống lại sự suy giảm cơ, bảo vệ mật độ xương và giảm sự hình thành sỏi thận. Bên cạnh đó Kali cũng giúp giảm nguy cơ huyết áp cao do cơ thể hấp thụ nhiều Natri.
Tác dụng tốt cho hệ thần kinh
Các hợp chất có trong nho như acid folic, acid galic, acid silicic, acid phosphoric,… làm gia tăng hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Hơn nữa, các vitamin thuộc nhóm B, tianine và niacyne giúp tập trung tinh thần, giảm cảm giác bồn chồn lo âu, bạn sẽ cảm thấy minh mẫn để học tập và làm việc hiệu quả hơn.
Tác dụng chống viêm và tăng cường khả năng miễn dịch
Những hợp chất, khoáng chất, các loại vitamin chứa trong trái nho và hạt nho có tác dụng làm gia tăng khả năng miễn dịch của cơ thể giúp chống lại các bệnh dị ứng và hen suyễn.
Tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa
Nho có nhiều chất xơ, các chất oxi hóa, chất kháng viêm thúc đẩy lưu thông thức ăn, tăng cường sức co bóp của cơ trơn đường tiêu hóa giúp phòng ngừa táo bón, gia tăng sự xuất tiết các dịch tiêu hóa và rút ngắn quá trình lên men trong ruột.
Nho còn có tác dụng lợi tiểu nên các chất độc hại được đào thải nhanh chóng ra ngoài. Bên cạnh đó ăn nho giúp cải thiện chức năng gan, chống viêm nhiễm, phòng ngừa sỏi mật, sỏi thận.
3. Cách sử dụng nho và các chế phẩm từ nho
Cách sử dụng nước ép nho: Mỗi ngày bạn sử dụng 50g nho tươi rửa sạch, để cả vỏ và hạt ép lấy nước, có thể pha chung với các loại nước ép trái cây khác tùy thích. Tác dụng giải khát, thanh lọc cơ thể, nâng cao sức đề kháng hỗ trợ điều trị các bệnh viêm nhiễm,…
Cách sử dụng rượu nho: Rượu nho tuy tốt cho sức khỏe giúp lưu thông khí huyết nhưng vì là thức uống có cồn nên không nên lạm dụng. Mỗi ngày phụ nữ nên dùng 100ml và nam giới 200ml là tốt nhất.
Cách sử dụng sinh tố nho: Để làm sinh tố nho bạn dùng 200g nho tím, 100ml sữa tươi (hoặc sữa đậu nành), 1 hộp sữa chua không đường, một ít đá xay tất cả cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn mịn. Đây là thức uống ngon giúp nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tim mạch.
Cách sử dụng nho khô: Mỗi ngày dùng 10-20g nho khô giúp nhuận tràng, nhuận phế, long đờm.
Cách sử dụng chiết suất hạt nho: Sử dụng chiết suất hạt nho giúp chống lão hóa, bảo vệ tim mạch, chống rối loạn chuyển hóa lipid, phòng ngừa xơ vữa mạch máu. Bôi vết thương hở ngoài da giúp mau lành vết thương.